Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử, hay còn gọi là e-commerce là một ngành công nghiệp ngày càng phát triển, đang thay đổi cách chúng ta mua sắm và kinh doanh. Từ việc mua hàng trực tuyến đến việc xây dựng các nền tảng thương mại điện tử phức tạp, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về thương mại điện tử và tầm quan trọng của nó.
Thương mại điện tử (e-commerce)
WHO định nghĩa về thương mại điện tử như sau:
Thương mại điện tử (hay thương mại trực tuyến) bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Như vậy, thương mại điện tử bản chất vẫn là hoạt động mua bán hàng hoá nhưng thay vì diễn ra trực tiếp thông qua hành vi của các cá nhân, tổ chức thì sẽ diễn ra trên mỗi trường Internet trên các nền tảng là các website bán hàng, mạng viễn thông được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Lợi ích của thương mại điện tử
Đối với người bán
Với người bán, thương mại điện tử tạo nên những lợi ích có thể thấy rõ ràng như:
- Giúp giảm chi phí vận hành: Thay vì việc phải thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng, nhân viên giám sát, có kho hàng lớn thì một trang thương mại điện tử đã giúp người bán tiết kiệm được hầu hết các chi phí này.
- Tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn: Nhờ có thương mại điện tử, thay vì người tiêu dùng phải đến trực tiếp cửa hàng để xem xét sản phẩm, dịch vụ thì hoàn toàn có thể tiếp cận sản phẩm, hàng hoá trên các trang thương mại điện tử.
Đối với người mua
- Đặt mua sản phẩm dễ dàng hơn: Người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn và mua hàng ở bất cứ đâu chỉ cần có internet, thông qua máy tính, điện thoại… Đồng thời, người mua cũng có thể phân loại, so sánh, sắp xếp hàng hoá theo giá tiền, tính năng… và đặt mua chỉ bằng một cú click chuột.
- Giảm chi phí đi lại, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông.
- Với việc show trực tiếp giá cả, thành phần… của hàng hoá, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử, người mua có nhiều lựa chọn hơn trong việc quyết định mua hay không mua loại hàng hoá, dịch vụ mà mình có nhu cầu.
Các mô hình thương mại điện tử phổ biến
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ với 4 mô hình thương mại điện tử phổ biến
Mô hình thương mại điện tử B2B
B2B (Business to Business) là mô hình kinh doanh TMĐT giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, thường dùng để phục vụ các giao dịch giữa nhà sản xuất, nhà phân phối/đại lý với các công ty, doanh nghiệp. Giá trị của một giao dịch trong mô hình này thường là giá sỉ, không thực hiện giao dịch bán lẻ.
Các lĩnh vực thường sử dụng mô hình TMĐT B2B:
- Cung cấp các dịch vụ marketing, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp
- Cung cấp hạ tầng điện tử: internet, ứng dụng, hệ điều hành, máy chủ cho các doanh nghiệp khác.
- Cung cấp phần mềm, ứng dụng di động, các sản phẩm công nghệ khác cho cac doanh nghiệp/đại lý
Tại Việt Nam, mô hình B2B vẫn còn khá mới mẻ, khiến các website thương mại điện tử B2B vẫn còn phát triển ở quy mô nhỏ, lẻ, chưa phát huy hết được tiềm năng. Một số website TMĐT B2B nổi tiếng trên thế giới hiện nay có thể kể đến: Amazon, Taobao, Alibaba,…
Mô hình thương mại điện tử B2C
Đây là một trong những mô hình TMĐT phổ biến và được nhiều người sử dụng nhất hiện nay.
B2C (Business to Customers) là hình thức thương mại điện tử giữa Doanh nghiệp & Người tiêu dùng. Hiểu đơn giản nhất, các doanh nghiệp buôn bán sản phẩm/dịch vụ của mình cho người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT trực tuyến.
Khách hàng của mô hình B2C chủ yếu là những khách hàng cá nhân, chỉ có nhu cầu mua sản phẩm để trực tiếp sử dụng nên giá trị các đơn hàng thường nhỏ lẻ.
Các website TMĐT vận hành theo mô hình B2C nổi tiếng hiện nay tại Việt Nam: Thế giới di động, Bách hóa xanh, Lazada, Shopee…
Mô hình thương mại điện tử C2C
Mô hình TMĐT C2C (Customers to Customers): là hình thức thương mại điện tử giữa các Cá nhân. Đây là sàn website cho phép các khách hàng tự do giao dịch với nhau thông qua các điều khoản của một chủ đầu tư (doanh nghiệp) đứng giữa.
Tiêu biểu cho loại hình thương mại điện tử này phải kể đến các bên như: chotot.com, raovat.net, nhattao.com…
Mô hình thương mại điện tử B2G
B2G (Business to Government) là mô hình thương mại điện tử giữa Doanh nghiệp với Chính phủ. Hiểu đơn giản, hình thức này là sử dụng internet cho việc mua bán công, thủ tục cấp phép và các hoạt động khác liên quan đến chính phủ.
Các chính sách mua bán trên website TMĐT B2G luôn được đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, so với các mô hình TMĐT khác, B2G tại Việt Nam chưa thực sự phổ biến.
So sánh thương mại điện tử và thương mại truyền thống (TMTT)
Khả năng tiếp cận khách hàng
TMTT: Bị giới hạn. Chủ yếu theo các hình thức quảng cáo thông thường như: quảng cáo trên báo, truyền hình, treo băng rôn, khẩu hiệu.
TMĐT: Hình thức quảng cáo đa dạng. Do các sàn giao dịch TMĐT có nguồn vốn dồi dào nên việc đầu tư quảng cáo được đẩy mạnh.
Thời gian giao dịch
TMTT: Khách hàng cần phải tới địa điểm cụ thể mua hàng, tuy nhiên sẽ mua được hàng hoá ngay.
TMĐT: Thời gian phân phối và giao hàng hoá đến khách hàng mất thời gian do quá trình đóng gói, vận chuyển.
Chất lượng sản phẩm
TMTT: Chất lượng sản phẩm tốt, do khách hàng sẽ được lựa chọn trực tiếp và kiểm tra sản phẩm trước khi mua hàng.
TMĐT: Khách hàng không được trực tiếp lựa chọn sản phẩm. Việc kiểm tra hàng hoá cũng tuỳ thuộc vào chính sách của đơn vị sàn.
Tính đa dạng của hàng hoá, sản phẩm
TMTT: Bị giới hạn do mỗi nhà sản xuất, mỗi đại lý sẽ phân phối và mua bán những loại hàng hoá khác nhau.
TMĐT: Đa dạng do có tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trưng bày, phân phối đủ các loại hàng hoá.
Như vậy, thương mại điện tử là hình thức giao dịch hàng hoá trên nền tảng internet. Tất cả các cá nhân, tổ chức có thể trưng bày, giới thiệu và cung cấp hàng hoá đến người tiêu dùng khi tham gia vào website thương mại điện tử.